Tin mừng theo thánh Matthêu - Phần 1

Tin mừng theo thánh Matthêu - Phần 1
Sau đây là gốc tích Ðức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, là con cháu Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:
DẪN NHẬP
 

TÁC GIẢ

Trong Tân Ước có bốn bản danh sách Mười Hai Tông Ðồ; tất cả bốn đều mang tên Mátthêu. Tin Mừng thứ nhất xác định rõ Mátthêu là một "người thu thuế" (Mt 10,3 so với Mc 3,18; Lc 6,15; Cv 1,13) được Chúa gọi đi theo Người, khi ông "đang ngồi ở trạm thu thuế" (Mt 9,9). Thánh Máccô (2,14) và thánh Luca (5,27) cũng kể một câu chuyện tương tự, nhưng lại nói người thu thuế ấy mang tên Lêvi. Như vậy, Mátthêu người thu thuế cũng có tên là Lêvi. Rất có thể tên khai sanh là Lêvi, còn Mátthêu là biệt danh Chúa Giêsu đặt cho ông khi ông đi theo Chúa. Ðiều đáng để ý ở đây là hai tác giả Máccô và Luca đã tỏ ra tế nhị với vị Tông Ðồ từng là người thu thuế, nên đã kể lại câu chuyện trên dưới tên Lêvi, có lẽ lúc bấy giờ trong các giáo đoàn ít ai biết tới. Mặt khác, tác giả Tin Mừng thứ nhất đã kể rõ Mátthêu là người thu thuế như vậy, lại tránh không nói đến việc chính Mátthêu đã khoản đãi Chúa Giêsu và các anh em một bữa tiệc thịnh soạn (x. Luca). Tất cả những điều vừa ghi nhận về chuyện Chúa gọi người thu thuế, vẫn được coi là dấu chỉ rằng chính thánh Tông Ðồ Mátthêu là tác giả sách Tin mừng vẫn mang tên ngài.

Quả vậy, ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, truyền thống vẫn nhất mực coi thánh Mátthêu là tác giả của Tin Mừng thứ nhất. Chứng từ trực tiếp và cũng cựu trào nhất là lời Giám Mục Papiát (Hiêrapôli, quãng năm 110-120), do sử gia Êusêbiô ghi lại. Theo sử gia này, thì Giám Mục Papiát viết: "Ông Mátthêu đã xếp đặt theo thứ tự bằng tiếng Híppri, những lời (Chúa) nói, và mỗi người tùy khả năng của mình mà phiên dịch (hoặc giải thích)". Theo các nhà bình luận nhận xét, thì "Những lời (Chúa) nói" không chỉ hiểu về giáo huấn của Chúa, mà về cả sự nghiệp của Người nữa. Tóm lại, là về một cuốn Tin Mừng trọn vẹn từ khi Chúa chịu phép rửa cho đến Phục Sinh. Giám Mục Papiát nói thánh Mátthêu viết bằng tiếng Híppri, thì phải hiểu là tiếng Aram người Dothái dùng thời ấy, chứ không phải Híppri cổ điển của Cựu Ước.

Tiếc rằng tác phẩm bằng Aram đó đã thất truyền rất sớm, một phần vì tình trạng rối ren ở vùng Xyria Paléttin vào những thập niên cuối của thế kỷ thứ nhất, trước và sau biến cố năm 70; phần khác cũng vì bản Mátthêu Hylạp được phổ biến mau lẹ tại các giáo đoàn.

Thật ra thì Giáo Hội chỉ nhìn nhận tác phẩm Hylạp này như là chính lục. Ai là tác giả bản Mátthêu Hylạp này? Dựa vào chứng từ của Giám Mục Papiát người ta phỏng đoán rằng ngay từ khi tác phẩm Aram mới ra, đã có nhiều bản dịch ra Hylạp khác nhau, trong đó có bản chính lục ngày nay. Nói cho cùng thì lời Giám Mục Papiát có thể chỉ hiểu về những bản giải thích hoặc dịch miệng. Căn cứ vào nội dung của bản Hylạp hiện nay, có người cho rằng so với Mátthêu Aram, thì bản Mátthêu chính lục là một sáng tác mới, chứ không phải một bản dịch. Dầu sao thì ai cũng phải nhận Tin Mừng thứ nhất mang mầu sắc Dothái hay Sêmít rất rõ; người thực hiện bản này phải là một người Dothái sống ở Ðất Thánh hay trong vùng Xyria.

Theo kết quả nghiên cứu hiện nay của việc phân tích văn chương và những đặc điểm có màu sắc Dothái trong nội dung Mátthêu, người ta đồng ý kết luận rằng sách Tin Mừng này dựa trên những tài liệu gốc Aram. Nhưng các nhà nghiên cứu không nhất trí với nhau về việc coi bản văn Mátthêu Hylạp là bản dịch của Mátthêu Aram hay là một công trình biên soạn dựa trên tài liệu gốc Aram. Do đó truyền thống coi thánh Mátthêu là tác giả sách Tin Mừng này vẫn chưa bị bác bỏ.

 

ÐỘC GIẢ

Nguyên việc thánh Mátthêu viết bằng tiếng Aram cũng là bằng chứng rõ ràng là ngài viết cho các độc giả Dothái sống ở vùng Xyria Paléttin. Một đàng các chứng từ cổ xưa nhất quả quyết điều đó. Mặt khác việc phân tách nội dung Tin Mừng cũng cho thấy như vậy: điểm tiêu biểu nhất của Tin Mừng này là sử dụng Cựu Ước rất dồi dào. Ít nhất cũng có tới 130 chổ trực tiếp đưa về Sách Thánh, trong đó có 43 chỗ trích sát. Tác giả trích theo kiểu Dothái. Có những điều liên quan tới thói quen, phong tục, nghi thức v.v... chỉ độc giả Dothái mới hiểu dễ dàng.

Cụ thể hơn nữa, có lẽ thánh Mátthêu viết Tin Mừng trước tiên nhắm vào các cộng đoàn Kitô giao từ Dothái giáo trở lại; đồng thời cũng nghĩ đến đồng bào Dothái của ngài nói chung để giúp họ nhận ra Chúa Giêsu là Ðấng Mêsia mà dân tộc từng trông mong. Những lời Chúa khiển trách dân Dothái cứng lòng, nhất là lên án các tật xấu của nhóm Pharisêu và các kinh sư được tác giả nhấn mạnh đặc biệt.

Rất có thể là bản Mátthêu Hylạp dù là được biên soạn trực tiếp bằng tiếng Hylạp, chứ không phải là một bản dịch, thì cũng đã được soạn ra trước hết cho các cộng đoàn Kitô giáo gốc Dothái sống ngoài đất thánh. Bởi vì trong bản này tác giả thấy không cần giải thích những thói quen của người Dothái. Vì Hylạp là tiếng phổ thông trong đế quốc Rôma thời ấy, nên Mátthêu Hylạp chẳng mấy chốc được phổ biến khắp nơi.

 

THỜI GIAN VÀ NƠI BIÊN SOẠN

Việc phân tích bản văn cũng như các dữ kiện truyền thống cung cấp không giúp xác định rõ được thời gian ra đời của Mátthêu. Vì thế chỉ có thể phỏng định mà thôi. Về bản Aram, có người cho rằng nó có thể ra đời quãng từ năm 40 tới 50 rồi, nghĩa là sau một thời gian dành cho sự phát triển của truyền khẩu. Ðàng khác hai thư thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Thêxalônica quãng năm 52; nếu các thư này thật sự đã dựa vào diễn từ chung luận của Chúa Giêsu trong Tin Mừng thứ nhất, thì Tin Mừng này phải có trước rồi. Hơn nữa, theo thánh Irênê, tác phẩm nguyên thủy của thánh Mátthêu được soạn ra "khi Phêrô và Phaolô rao giảng Tin Mừng và thiết lập Giáo Hội ở Rôma". Mặc dù không thể căn cứ vào lời này để ấn định thời gian được, nhưng chúng ta cũng đoán được rằng Mátthêu Aram phải ra đời khá sớm.

Về Mátthêu Hylạp cũng vậy, không nói chính xác được. Vào cuối thế kỷ thứ nhất Tin Mừng này đã được phổ biến khá rộng rãi. Có người nghĩ rằng bản chính lục này được thực hiện trước năm 70. Nhưng ý kiến chung bây giờ là Tin Mừng Mátthêu chính lục được soạn vào những năm từ 80 đến 90 tại Xyria Paléttin. Ý kiến này dựa vào những yếu tố phản ánh sự chống đối quyết liệt giữa Hội Thánh Kitô giáo và cộng đồng Dothái giáo sau khi Giêrusalem bị tàn phá, nhất là trong bài giảng trên núi và trong trình thuật về Chúa Phục Sinh. Giới lãnh đạo Dothái quy tụ ở Giamnia (Giápnê) sau năm 70 đã "tuyệt thông" với Kitô giáo.

 

MỤC ÐÍCH

Tin Mừng Mátthêu trước tiên là một Tin Mừng có nhiều tính thần học hơn là lịch sử. Khía cạnh hộ giáo, chống Dothái cũng có, nhưng không phải là chính yếu như một số người nghĩ. Ðiều mà tác giả nhắm là trình bày con người Ðức Giêsu và sự nghiệp của Người: Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia đích thực như Thiên Chúa đã phán hứa và loan báo trước trong Cựu Ước. Người đến trần gian để rao giảng và thiết lập Nước Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa thể hiện trong cộng đoàn Giáo Hội. Hơn nữa Mátthêu còn muốn cho thấy, qua sự nghiệp đó, Ðức Giêsu đã dần dần chứng tỏ mình là Con Thiên Chúa như thế nào. Ðiển hình là lời Người tuyên bố trước Thượng Hội Ðồng Dothái (26,64) và, ở cuối Tin Mừng, lệnh Chúa sai môn đệ ra đi tiếp tục sứ mệnh của Người (28,18-20).

 

ÐẠO LÝ

1. Ðức Giêsu là Ðấng Mêsia Cựu Ước đã loan báo

Tin Mừng mở đầu bằng gia phả của Chúa, khởi đầu là ông Ápraham, trung tâm là vua Ðavít (1,1-16). Rải rác trong tác phẩm, Chúa Giêsu xuất hiện như là con vua Ðavít (9,27; 12,23; 15,22; 20,30.32; 21,9.15) mặc dầu chính Người rất dè dặt về tước hiệu này, vì quần chúng hay quan niệm lệch lạc.

Như đã nói, Mátthêu sử dụng dồi dào Thánh Kinh Cựu Ước, dồi dào hơn các Tin Mừng khác, để dẫn chứng, cách riêng đối với người Dothái vẫn chờ đợi Ðấng Mêsia, rằng mọi sấm ngôn của Cựu Ước đều ứng nghiệm nơi Ðức Giêsu người Nadarét. Do đó, chúng ta thường gặp những công thức quen thuộc, như "để ứng nghiệm điều Thiên Chúa đã dùng vị ngôn sứ mà phán" hoặc như thế là ứng nghiệm".

Một trong những nét đặc trưng của Mátthêu về Kitô học, đó là hình ảnh Môsê mới: Chúa Giêsu chính là vị ngôn sứ cao cả Thiên Chúa hứa từ thời Xuất Hành (Ðnl 18,18). Phân phối Tin Mừng thành năm phần, sau khi đã giới thiệu thời thơ ấu của Chúa qua năm sự việc, tác giả Mátthêu đã muốn đưa người đọc về ý tưởng Chúa Giêsu là Ðấng sáng lập Giao Ước mới, điều chỉnh và kiện toàn Luật cũ (x. 5,17-48).

Trình thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu gợi lên những trình thuật và truyền thuyết về Môsê, năm phần gợi lên bộ Ngũ Thư và đặc biệt năm diễn từ của Môsê trong sách Ðệ Nhị Luật. Ngoài ra trong các biến cố đáng chú ý hơn của cuộc đời Chúa Giêsu, như khi Chúa chịu cám dỗ, khi khai mạc Nước trời trên núi, lúc hiển dung, khi hóa bánh ra nhiều trong sa mạc, lúc sai các Tông Ðồ đi khắp thế giới..., Mátthêu đều gợi cho độc giả nhận ra Chúa Giêsu là Môsê của Tân Ước.

 

2. Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa

Chính Chúa Cha đã mạc khải Người một cách long trọng tại sông Giođan (3,17) và trong cuộc Hiển dung (17,5). Những lời xưng nhận của ma quỷ (8,29), của ông Phêrô (16,16tt), của vị sĩ quan phụ trách cuộc hành quyết (27,54), tuy hãy còn mập mờ trong hoàn cảnh lịch sử, nhưng đối với tác giả Mátthêu đó là những lời tuyên xưng thần tính của Chúa. Dầu sao, những lời chính Chúa Giêsu nói về mình mới thật là ý nghĩa, như khi Chúa tự cho mình là hơn cả Ðền Thờ (12,6), hơn cả ngôn sứ Giôna và vua Salômôn (12,41tt), và là Chúa của vua Ðavít (22,41-46); khi tự xưng là Con trong một tương quan duy nhất với Thiên Chúa (11,25tt; 12,50; 17,24-27; 21,33tt). Hai lời tuyên bố long trọng và dồi dào ý nghĩa nhất. Một là trước thượng hội đồng Dothái (26,63tt): sau khi xác nhận mình là Ðấng Mêsia, Chúa Giêsu còn nhắc lại lời sấm Ðanien về Con Người và cho hiểu Ngài là Thiên Chúa ("ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng"). Hai là trước mặt các môn đệ quy tụ lại trên núi để lãnh sứ mệnh tiếp tục sự nghiệp của Chúa Phục Sinh, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi được công bố minh nhiên (28,18-20) và Chúa Giêsu cho thấy Người chính là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" cho đến tận thế (x. 1,23).

 

3. Ðấng sáng lập Hội Thánh

Hội Thánh là cộng đoàn các "môn đệ", những người quy tụ quanh Chúa Giêsu và "học gương Thầy" (11,29; 23,8). Trước tiên phải kể đến Nhóm Mười Hai, rồi các bạn đồng hành khác của Chúa Giêsu khi Người còn tại thế, và nói chung là các kẻ tin theo Người. Tuy nhiên sau khi Chúa Phục Sinh và được vinh thăng, những người tin theo Chúa nhờ lời rao giảng của nhóm môn đệ đầu tiên cũng vẫn được gọi là môn đệ. Như lời tuyên bố cuối cùng cho thấy (28,19a), ơn gọi làm môn đệ được ban cho mọi người, ở mọi thời. Quả thế, Hội Thánh chính là Nước Trời ở trần gian, do Chúa Giêsu thiết lập như một xã hội thánh phẩm, được trao cho ông Phêrô (16,18-19) và các Tông Ðồ lãnh đạo (18,18). Bởi thế nhóm môn đệ tiên khởi, tuy vẫn mang tính lịch sử của mình, nhưng đã trở thành mẫu mực cho các tín hữu của các thế hệ tiếp theo. Hội Thánh xuất phát từ lòng dân Dothái, nên vẫn dựa trên căn bản Lề Luật cũ; nhưng chính Lề Luật thì đã được Chúa Giêsu kiện toàn. Tư cách của Chúa Giêsu là vị Thầy chính thức giải thích Luật Môsê, cho dân chúng và các môn đệ thấy thánh ý của Thiên Chúa, được Mátthêu nêu rõ trong năm bài giảng, nhất là trong bài giảng trên núi. Qua bài giảng này Mátthêu cho thấy một đàng Chúa Giêsu muốn đánh tan hiểu lầm của nhiều người cho rằng khi Ðấng Mêsia xuất hiện thì những đòi hỏi đạo đức của Cựu Ước cũng tiêu tan (x. 5,17). Ðàng khác Chúa Giêsu cũng phi bác những kẻ tự coi mình là người nắm giữ ý định ngàn đời của Thiên Chúa (5,20). Thật ra đối với Mátthêu, chỉ có lời Chúa Giêsu, được tiếp thu (7,24-26) và được hiểu đúng đắn (13,23), mới tạo được sự công chính đích thật (5,20) và dẫn người môn đệ đi tới đích trên con đường hoàn thiện (5,48; 19,21).

Mátthêu cho thấy thái độ căn bản của người môn đệ Chúa Giêsu là biết nghe, hiểu và thực hành lời của Người. Thật vậy, nếu trong Luca, môn đệ là chứng nhân, thì trong Mátthêu, môn đệ chủ yếu là thính giả, là người lắng nghe Thầy giáo huấn, đặc biệt trong các bài giảng. Chính để nói lên điều này mà trong bốn bài, Mátthêu dùng công thức quen thuộc "các môn đệ đến gần" (5,1; 13,10.36; 18,1; 24,1.3) để nghe Chúa giáo huấn. Cũng nên biết rằng trong các Tin Mừng Nhất Lãm thì Mátthêu là tác giả đưa ra nhiều nhất số lần huấn dụ dành riêng cho các môn đệ: 9,37-11,1; 13,10-13; 16,24-28; 17,10-13.19-20; 18; 19,23-20,19; 21,21-22; 24,1-2; 24,3-25,46.

Nghe lời Thầy giáo huấn, các môn đệ có hiểu không? Ở đây Mátthêu khác hẳn Máccô. Máccô nhấn mạnh rằng các môn đệ không hiểu; còn Mátthêu thì lại cho thấy rằng các môn đệ chính là những kẻ "nghe và hiểu lời rao giảng" (13,23). Quả thật ở cuối bài giảng bằng dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ "Anh em có hiểu những điều ấy không?" thì họ đã thưa: "Thưa hiểu" (13,51). Kiểu nói: "Bấy giờ các môn đệ (mới) hiểu" xuất hiện ở 16,12 và 17,13 đều cho thấy rằng hiểu lời Thầy là một đặc điểm của người môn đệ trong Mátthêu.

Tuy nhiên cũng có bốn lần Mátthêu ghi nhận các môn đệ không hiểu (13,36; 15,16; 16,9; 17,13). Sở dĩ như vậy là vì nghe mà hiểu được là hồng ân, chứ không phải vì môn đệ có trí khôn cắc sảo hay vì họ được ân thưởng do công trạng đã lập: "Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết mầu nhiệm Nước Trời" (13,11).

Ðặc điểm thứ ba của người môn đệ Chúa Kitô theo Mátthêu là thực hành điều Thiên Chúa muốn. Hiểu mà không thực hành thì chẳng khác gì nghe mà không hiểu. Chính ở điểm này, lòng trung thành thực sự của người môn đệ được chứng minh và đây cũng là điều tâm niệm đặc biệt của Mátthêu, như có thể thấy trong các câu xác định ai là bà con đích thực của Ðức Giêsu (12,46-50) và trong phần kết bài giảng trên núi (7,13-27).

- Chương 01 -

I. Giáng Sinh Và Thời Thơ Ấu Của Ðức Giêsu

 

Gia phả Ðức Giêsu Kitô

(1) Ðây là gia phả Ðức Giêsu Kitô, con cháu vua Ða-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:

(2) Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; (3) Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; (4)A-ram sinh Am-mi-na-đáp; ông Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xam-môn; (5) Xam-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; (6) Gie-sê sinh Ða-vít.

Vua Ða-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; (7) Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; (8) A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; (9) Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; (10) Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; (11) Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

(12) Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; (13) Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; (14) A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; (15) Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; (16) Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Ðức Giêsu cũng gọi là Ðấng Ki-tô.

(17) Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Áp-ra-ham đến vua Ða-vít, là mười bốn đời; từ vua Ða-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Ðức Kitô, cũng là mười bốn đời.

Truyền tin cho ông Giu-se

(18) Sau đây là gốc tích Ðức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. (19) Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. (20) Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, là con cháu Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. (21) Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." (22) Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ:

(23) Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta". (24) Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (25) Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su.

- Chương 02 -

 

Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Ðức Giê-su Hài Nhi

(1) Khi Ðức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Ðông đến Giêrusalem, (2) và hỏi: "Ðức Vua dân Dothái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." (3) Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế, các kinh sư trong dân lại, và hỏi cho biết Ðấng Kitô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng:

(6) Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa,

ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa,

vì ngươi là nơi

vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta

sẽ ra đời".

(7) Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10)Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.

Ðức Giê-su trốn sang Ai-cập và các anh hài bị giết

(13) Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì kìa sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Aicập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" (14) Ông Giuse liền chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. (15) Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ:

Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

(16) Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh. (17) Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia:

(18) Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ:

tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình

và không chịu để cho người ta an ủi,

vì chúng không còn nữa.

Từ Ai-cập về đất Ít-ra-en

(19) Sau khi vua Hêrôđê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giuse bên Aicập, (20) báo mộng cho ông rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi." (21) Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ítraen. (22) Nhưng vì nghe biết Áckhêlao đã kế vị vua cha là Hêrôđê, cai trị miền Giuđê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Galilê, (23) và đến ở tại một thành kia gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng:

Người sẽ được gọi là người Nadarét.

- Chương 03 -

II. Công Bố Nước Trời

1. Phần Ký Thuật

 

Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng

(1) Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng: (2) "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần." (3) Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới:

Có tiếng người hô trong hoang địa:

Hãy dọn sẵn con đường của Ðức Chúa,

sửa lối cho thẳng để Người đi.

(4) Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong làm thức ăn. (5) Bây giờ, người ta từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến với ông.(6) Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giođan. (7) Thấy nhiều người thuộc phái Phrisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: "Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? (8) Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối. (9) Và đừng tưởng có thể nghĩ bụng rằng: "Chúng ta đã có tổ phụ Ápraham". Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Ápraham. (10) Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. (11) Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. (12) Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi".

Ðức Giêsu chịu phép rửa

(13) Bấy giờ, Ðức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình. (14) Nhưng ông một mực can Người và nói: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!" (15) Nhưng Ðức Giêsu trả lời: "Bây giờ cứ thế đã, Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính". Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người.

(16) Khi Ðức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. (17) Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người".

- Chương 04 -

 

Chúa Giêsu chịu cám dỗ

(1) Bấy giờ Ðức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. (2) Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. (3) Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi!" (4) Nhưng Người đáp: "Ðã có lời chép rằng:

Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh,

nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra".

(5) Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, (6) rồi nói với Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng:

Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn,

và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng,

cho bạn khỏi vấp chân vào đá".

(7) Ðức Giêsu đáp: "Nhưng cũng đã có lời chép rằng:

Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi".

(8) Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, (9) và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi". (10) Ðức Giêsu liền nói: "Xatan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng:

Ngươi phải bái lạy Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi".

(11) Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và kìa các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

Ðức Giêsu lánh qua miền Galilê

(12) Khi Ðức Giêsu nghe tin ông Gioan đã bị nộp, Người lánh qua miền Galilê. (13) Rồi Người bỏ Nadarét, đến ở Caphácnaum, một thành ven biển hồ Galilê, thuộc địa hạt Dơvunlun và Náptali, (14) để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia nói:

(15) Này đất Dơvunlun, và đất Náptali,

hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Giođan,

hỡi Galilê, miền đất của dân ngoại!

(16) Ðoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm

đã thấy một ánh sáng huy hoàng,

những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần

nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.

(17) Từ lúc đó, Ðức Giêsu bắt đầu rao giảng và nói rằng: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần".

Ðức Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên

(18) Người đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì thấy hai anh em kia, là Simon, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. (19) Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá". (20) lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

(21) Ði một quảng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dêbêđê, là ông Giacôbê và người em là ông Gioan. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dêbêđê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.(22) lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

Ðức Giêsu giảng dạy và chữa bệnh

(23) Thế rồi Ðức Giêsu đi khắp miền Galilê, giảng dạy trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền của dân. (24) Danh tiếng Người đồn ra khắp xứ Xyria. Thiên hạ đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau, mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền: những kẻ bị quỷ ám, kinh phong, bại liệt; và Người đã chữa họ. (25) Từ miền Galilê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giuđê và vùng bên kia sông Giođan, đám đông lũ lượt kéo đến đi theo Người.

- Chương 05 -

2. Bài giảng trên núi

 

Tám mối phúc

(1) Thấy đám đông, Ðức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng:

(3) "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ.

(4) Phúc thay ai hiền lành,

vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.

(5) Phúc thay ai sầu khổ,

vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

(6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính,

vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

(7) Phúc thay ai xót thương người,

vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

(8) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,

vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

(9) Phúc thay ai xây dựng hòa bình,

vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

(10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,

vì Nước Trời là của họ.

(11) Phúc cho anh em khi vì Thầy

mà bị người ta sỉ vả, bách hại

và vu khống đủ điều xấu xa.

(12) Anh em hãy vui mừng hớn hở,

vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian

(13) "Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.

(14) "Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. (15) Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. (16) Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời.

Ðức Giêsu kiện toàn Luật Mô-sê

(17) "Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. (18) Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. (19) Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.

Ðức công chính của người môn đệ

(20) "Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

Ðừng giận ghét

(21) "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. (22) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. (23) Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, (24) thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (25) Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. (26) Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.

Chớ ngoại tình

(27) "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. (28) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. (29) Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. (30) Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục.

Ðừng ly dị

(31) "Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. (32) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.

Ðừng thề thốt

(33) "Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Ðức Chúa. (34) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Ðừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. (35) Ðừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Ðừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Ðức Vua cao cả. (36) Ðừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. (37) Nhưng hễ "có" thì phải nói "có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.

Chớ trả thù

(38) "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. (39) Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. (40) Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. (41) Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. (42) Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi.

Phải yêu kẻ thù

(43) "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. (44) Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. (45) Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. (46) Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? (47) Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? (48) Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.