26 cây thập giá trên một ngọn đồi ở thành phố Nagasaki đầu năm 1597 là lễ dâng hoa trái đầu mùa của Hội Thánh Nhật Bản. Dòng Tên góp phần vào hiến tế ấy ba anh em người bản xứ: thánh Phaolô Miki, 33 tuổi, lúc ấy đang chuẩn bị chịu chức linh mục; thánh Giacôbê Kisai, 64 tuổi, tu huynh; thánh Gioan Soan, 19 tuổi, giáo lý viên đang tìm hiểu Dòng Tên. Các vị còn lại gồm 6 thừa sai dòng thánh Phanxicô và 17 giáo dân mà người trẻ nhất mới 11 tuổi.
Người đầu tiên loan báo Tin Mừng Đức Kitô cho Nhật Bản là thánh Phanxicô Xavier. Khu vực truyền giáo này thu hút nhiều thừa sai và lớn mạnh nhanh chóng. Chỉ trong vòng 50 năm, số tín hữu đã lên đến 200 ngàn. Dòng Tên cũng thành lập một tỉnh Dòng riêng với hơn 120 anh em mà đa số là người Nhật Bản. Vào cuối thế kỷ XVI, chế độ quân phiệt ở trung ương đang cố gắng buộc các sứ quân ở các địa phương phải phục tùng để thống nhất quyền lãnh đạo đất nước trong tay một vị tướng, nhờ đó có thể phản ứng hữu hiệu khi các đế quốc Châu Âu có ý đồ xâm lăng. Người Nhật Bản vốn thích cái gì mới, lại thấy người Châu Âu chế tạo được tàu vượt đại dương, súng bắn xa hàng loạt, nên kính nể và dễ dàng đón nhận tôn giáo do các thừa sai Châu Âu đem tới. Điều này làm cho giới cầm quyền quân phiệt lo ngại. Họ sợ người Công Giáo sẽ nghe theo các sứ quân địa phương, hoặc sẽ ủng hộ các nước Châu Âu mà chống lại họ. Để cảnh cáo và ngăn chặn, họ cho bắt mấy thừa sai cùng với một số tu sĩ và giáo dân bản xứ đem đi xử tử.
Thánh Phaolô Miki được rửa tội cùng với cả gia đình lúc ngài mới 5 tuổi, và gia nhập Dòng Tên lúc ngài 22 tuổi. Trong thời gian học hành, ngài đã cho thấy tài năng của một nhà giảng thuyết đầy triển vọng. Vào những tháng nghỉ học, ngài đã từng đi giảng ở những tỉnh miền nam cũng như tại kinh đô Myako. Cuối năm 1596, ngài đang học tại nhà Dòng ở thành phố Osaka thì bị bắt cùng với tu huynh Kisai và ứng sinh Gioan Soan. Ngày nay nhiều sử gia vẫn thắc mắc tại sao nhà cầm quyền lại bắt 3 tu sĩ Dòng Tên này. Riêng thánh Phaolô Miki, ngài không hề thắc mắc, trái lại cảm thấy hết sức hân hoan: “Tôi sung sướng được giống Chúa phần nào”. Cùng với cả nhóm 26 chứng nhân, ngài được dẫn lên kinh thành Myako, và cùng bị cắt tai, cắt mũi, rồi bị đem đi diễu hành cho mọi người đều thấy.
Nhà cầm quyền chọn Nagasaki làm pháp trường hẳn là có ý đe dọa người Công Giáo và người nước ngoài, vì đó là thành phố cảng đông người Công Giáo và người nước ngoài nhất. Trên một đỉnh đồi, người ta dọn sẵn 26 cây thánh giá. Đoàn người bị kết án tử hình chẳng những không hề tỏ ra sợ hãi mà còn luôn miệng ca hát. Người ta buộc chân tay và bụng mỗi người vào một cây thánh giá, rồi dựng lên. Hôm ấy, dân chúng đến dự rất đông. Từ trên thánh giá, 26 chứng nhân đồng thanh hát vang: “Chúng con ca ngợi Chúa là thượng đế, chúng con tuyên xưng Chúa là chúa tể…” Rồi thánh Phaolô Miki hùng hồn nói về Đức Kitô, kêu gọi tín hữu vững tin và mời gọi lương dân tìm hiểu đạo. Khi được lệnh, lý hình lấy giáo đâm mỗi vị hai nhát chéo xuyên qua ngực. Thánh Phaolô Miki và các bạn đã chết trên thập giá, giống Chúa Kitô, như ngài mong ước.
Chế độ quân phiệt Nhật Bản qua đi mà không ai thương tiếc. Trái lại, 26 cây thánh giá trên ngọn đồi thành phố Nagasaki đã vượt mọi thử thách của thời gian, nhắc nhở mọi người về tình yêu của Con Thiên Chúa xuống trần để cứu đời.
Lạy Thiên Chúa là nguồn sức mạnh của các Thánh, ngang qua thập giá Chúa đã thương gọi thánh Phaolô Miki và các bạn vào cõi sống. Nhờ lời các ngài cầu thay nguyện giúp, xin Chúa ban cho chúng con được can trường giữ vững đức tin mà chúng con tuyên xưng cho đến hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Chúa, là Thiên Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Ý kiến bạn đọc