Những mâu thuẫn bất hòa vợ chồng nguyên nhân hậu quả và cách khắc phục
Đã xem: 2841 lần - Đăng lúc: Thứ hai - 02/09/2013 23:36
- Người đăng bài viết: admin
Chia sẻ:
Sự khác biệt về cá tính của mỗi người: người nhanh nhẹn tháo vát, người ù lì chậm chạp. Thiên Chúa dựng nên mỗi người một bản ngã, nên đã là hai người đừng kể về phái tính, thì khó lòng tránh khỏi những dị biệt, những khác nhau về khuynh hướng và tính tình như người ta thường nói: "bá nhân bá tính". Người trầm mặc, người có tính hiếu động, người có tính hướng ngoại, người có tính hướng nội. Lúc họ chưa lấy nhau, cái gì của nhau họ cũng thấy hữu duyên hữu tình, nhưng khi lấy nhau rồi thì duyên tình biến mất, để người này trở thành cái nợ của người kia
Trong cuộc sống thường ngày, đôi khi người ta quên mất rằng người bạn đời là một hồng ân vô cùng quí giá. Giả như một ngày kia người chồng hoặc người vợ ấy không còn nữa thì chắc cuộc sống gia đình sẽ bị đảo điên, vì bị lấy mất một phần của của chính mình, như Hàn Mạc Tử đã nói:
"Người đi một nửa hồn tôi mất,
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ"
Trước viễn cảnh đánh mất nửa kia của mình người ta buồn lắm chứ. Thế nhưng, khi nửa ấy ở bên mình liệu người ta có nhận ra đó là một hồng ân vô giá mà Thiên Chúa trao ban cho họ không? Vì thế, trong đời sống hôn nhân gia đình, để tạo được sự hòa hợp trọn vẹn và bền vững, hai vợ chồng cần hiểu rõ những khác biệt của nhau, để có thể cảm thông, chia sẻ và nương tựa vào nhau trong sự kính trọng và yêu thương chân thành. Mà tình yêu chân thành là thấy rõ khuyết điểm của người khác nhưng vui vẻ đón nhận, đồng thời khám phá ra những ưu điểm của người yêu mà khéo léo phát huy.
Song, cuộc sống không phải lúc nào cũng êm ả, bằng phẳng, có những lúc trời quang mây tạnh, song lại có lúc bão táp mưa sa. Cuộc sống gia đình cũng vậy đấy, có những lúc trên dưới thuận hòa, ấm êm hạnh phúc, những cũng có lúc bất hòa "Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt". Và chính gia đình Thánh Gia xưa cũng đã trải qua kinh nghiệm này là lúc hai ông bà lạc mất Chúa Giêsu trong Đền thờ.
Vâng, và dù vợ chồng có yêu nhau thắm thiết, thì nhiều lúc vẫn xảy ra những bất hòa, bất đồng quan điểm. Nhưng, những bất hòa đó có thể làm cho tình yêu bị sói mòn, dạn nứt và có thể đưa đến đổ vỡ tai hại. Song nếu biết cách giải quyết, chúng sẽ là cơ hội giúp vợ chồng hiểu nhau hơn và tình yêu giữa hai người ngày càng thêm triển nở và phong phú. Vì người ta thường thấy "Cái chua của chanh, cái ngọt của đường làm làm nên ly nước mát chứ không riêng có đường mà cũng không hẳn chỉ có chanh".
1) Nguyên nhân gây xung đột
Những trang đầu của Kinh Thánh đã cho chúng ta thấy mọi sự đều tốt đẹp. Con người được Thiên Chúa dựng nên để sống trong hạnh phúc. Hạnh phúc đó trước hết là tình thân nghĩa với Thiên Chúa. Hạnh phúc đó còn là mối giao hòa giữa con người với vạn vật. Đặc biệt Thiên Chúa cho con người được sống hạnh phúc trong hôn nhân. Đôi vợ chồng nguyên thủy thật tâm đầu ý hợp, coi nhau như một xương một thịt. Thế rồi một hôm, người này đã coi người kia như là nguyên nhân của sự tan vỡ. Điều gì đã xảy ra giữa họ? (Việc con rắn xuất hiện, hiên thân của ma quỷ)
Con người đã khước từ vâng phục Thiên Chúa, tự định lấy điều lành điều dữ, con người đã muốn ngang bằng với Thiên Chúa, kết quả là:
Con người thấy xa lạ với chính mình, dục vọng trở nên thác loạn, không chịu nổi chính mình nên phải lấy lá che thân.
Con người xa lạ với nhau, nàng không còn là xương thịt của tôi, nhưng nàng là thủ phạm, chính nàng đã gây ra tất cả.
Con người xa lạ với Thiên Chúa, nên vừa nghe tiếng Chúa, con người đã chạy trốn và núp trong bụi cây.
Con người xa lạ với các tạo vật khác như cây cối, đất đá trở nên những chướng ngại cho con người.
Giờ đây, mọi tương quan đều sụp đổ chỉ vì một lý do duy nhất: con người không tin vào tình thương của Thiên Chúa, họ muốn tự xoay sở lấy mọi sự, họ coi mình là nhất, muốn chiếm đoạt tất cả cho mình, muốn ngang hàng với Thiên Chúa... Đó chính là nguyên nhân sâu xa nhất của mọi bóng tối trong đời sống hôn nhân. Mọi đổ vỡ đều bẳt nguồn từ tội đầu tiên ấy. Nó là khúc ngoặt của lịch sử tình yêu, nó thay đổi hẳn tình trạng của con người, khiến con người đang từ tình trạng yêu thương tròn đầy, bước sang tình trạng tình yêu sứt mẻ và dạn nứt. Thật là một biến chuyển ghê gớm (một đứa bé trước luôn thành thật, giờ trộm cắp từ vật nhỏ đến vật lớn có giá trị không cần suy nghĩ đắn đo). Tội nguyên tổ chính là vết thương khiến sự chết xâm nhập vào con người, bản tính con người đã bị tổn thương.
Từ nguyên nhân trên dẫn tới bao nguyên nhân khác khiến xung đột vợ chồng ngày càng xảy ra dễ dàng và tinh vi hơn thường là do:
a) Sự khác biệt về tâm lý giữa nam và nữ:
+ về thể xác: người nam chú trọng tới thể xác và coi như thứ chính yếu, người nữ quên.
+ về nhận thức: người nam dựa trên sự kiện, người nữ dựa trên tình cảm.
+ về tình yêu: nam là một trong những điều quan trọng, nữ là tất cả. Đối với đàn ông, tình yêu là một tình cảm thôi thúc rất mạnh đầy tình dục và ham muốn rồi vụt qua đi rất nhanh. Trái lại người đàn bà thì tình yêu là toàn thể đời sống, lúc nào chị cũng nghĩ đến nó chứ không chỉ lúc hai vợ chồng gần nhau.
+ về tôn giáo: nam kém sốt sắng, nữ lòng đạo đức nồng nhiệt
+ về tâm lý: nam thích tổng quát, nữ tỉ mỉ.
+ về thính giác: nam ít nói, đặc biệt ở nhà, nữ thích nghe lời ngọt ngào.
b) Sự khác biệt về cá tính của mỗi người: người nhanh nhẹn tháo vát, người ù lì chậm chạp. Thiên Chúa dựng nên mỗi người một bản ngã, nên đã là hai người đừng kể về phái tính, thì khó lòng tránh khỏi những dị biệt, những khác nhau về khuynh hướng và tính tình như người ta thường nói: "bá nhân bá tính". Người trầm mặc, người có tính hiếu động, người có tính hướng ngoại, người có tính hướng nội. Lúc họ chưa lấy nhau, cái gì của nhau họ cũng thấy hữu duyên hữu tình, nhưng khi lấy nhau rồi thì duyên tình biến mất, để người này trở thành cái nợ của người kia. Mỗi người hãy xét xem, ta đang là gì của nhau? có phải là cái nợ của nhau không? Có bài hát thế này "nếu biết rằng yêu là đau khổ, thà dương gian đừng có chúng mình"
c) Sự khác biệt từ nền giáo dục gia đình: bên thì chiều chuộng vuốt ve con cái, bên thì nghiêm khắc giáo dục.
d) Bất đồng trong việc quản lý chi tiêu: người coi trọng tiền bạc là tất cả, người coi là phương tiện cho cuộc sống. Người thì tiết kiệm dè xẻn, người thì hoang phí đua đòi, nhậu nhoẹt. Tình yêu đừng để cho tiền bạc bóp nghẹt, tiền chỉ là người bạn tốt ngược lại tiền là một ông chủ xấu. Thế nên không thể có hạnh phúc lâu bền được như người ta thường nói:
" Có tiền chồng chồng vợ vợ,
Hết tiền hết gạo chồng đông vợ đoài"
đ) Những trục trặc trong đời sống chăn gối: việc chăn gối là cả một nghệ thuật yêu đương. Nó đòi hỏi người chồng cũng như người vợ sự già giặn và khiếu thẩm mỹ.
Quan niệm đúng đắn về tình yêu thể xác, tình yêu thể xác không phải đơn giản như vấn đề kỹ thuật. Bạn có thể thông thái về cơ thể học, nhưng lại hoàn toàn bất lực trong tình yêu.
e) Vì người ngoài giật giây hay do hoàn cảnh chi phối: phản ứng cần thiết trước cuộc khủng hoảng này là cương quyết, giữ lập trường, không nghe ai hết, chỉ biết chồng mình hay vợ mình thôi. Nhẫn nại một chút mọi sự sẽ êm suôi.
g) Thiếu tổ chức trong gia đình: thiếu phân công chia sẻ, thiếu quan tâm đến nhau. Hãy cố gắng xây dựng gia đình mình, chứ đừng than thân trách phận "đứng núi này, trông núi nọ" so bì chồng mình vợ người "đèn nhà ai nhà ấy rạng". Vì như thế, chỉ gây thêm buồn khổ cho nhau mà thôi.
h) Bất đông về giáo dục con cái: người nghiêm khắc, người chiều chuộng con cái.
i) Bất đồng trong cách cư xử họ hàng đôi bên: bên trọng, bên khinh, nhất là chuyện mẹ chồng nàng dâu luôn là vấn đề nhức nhối nảy sinh xích mích cho hai bên gia đình.
2) Hậu quả rất tai hại
• Về tâm lý tình cảm: mất hạnh phúc trong gia đình, tình yêu sứt mẻ, vợ chồng lạnh nhạt với nhau.
• Về đời sống đạo đức: dễ rơi vào những tệ nạn xã hội, ngoại tình, mất phẩm chất và thế giá của con người.
• Về gia đình: cha mẹ lơ là giáo dục con cái, tình nghĩa vợ chồng bị rạn nứt, dẫn đến ly thân, ly dị, gia đình tan vỡ. Thiệt hại cho con cái, nạn nhân chính là những đứa con ngây thơ tội nghiệp đáng thương lang thang đầu đường cuối phố, nghiện ngập, xì ke ma túy, trộm cắp...
3) Giải quyết xung đột trong gia đình
a) Biện pháp ngăn ngừa:
- Tìm hiểu kỹ càng trước khi kết hôn để tránh ảo tưởng về nhau, vì hôn nhân cần có tình yêu thực sự, không thể biến hôn nhân thành món hàng đổi trác.
- Cần học hỏi trang bị những kiến thức nuôi dưỡng tình yêu và bàn hỏi với những người có kinh nghiệm để biết cách giải quyết những bất hòa trong gia đình và biết cách sống hòa hợp.
- Cần sửa đổi thói hư tật xấu
b) Nếu xảy ra xung đột thái độ của mỗi người
- Kìm hãm tính nóng nảy và tự ái. Tránh phản ứng vội vàng.
- Đối thoại với nhau, luôn cố gắng đổi mới trong tình yêu, khai trừ sự nhàm chán và lười biếng.
- Có thiện chí muốn giải quyết chuyện tranh cãi để đi đến hợp nhất, không nhằm thua thắng hay hạ nhục nhau.
- Hãy ý hợp hóa nghĩa là từ bỏ cái tôi, ý riêng của mình để có thể vượt qua biển cuộc sống gia đình vốn nhiều hạnh phúc, nhưng không thiếu ba đào, xây thì khó nhưng đổ vỡ thì rất nhanh và dễ dàng.
4) Phương cách giải quyết
Giải quyết xung đột trong gia đình là một công việc khó khăn, đòi hỏi sự cố gắng và thiện chí của cả hai. Vợ chồng cần có thói quen ngồi lại với nhau giải quyết những vấn đề nho nhỏ để có nhiều kinh nghiệm giải quyết vấn đề lớn. Những lúc như thế, giúp hai vợ chồng hiểu nhau hơn, gọt giũa cái tôi tự ái, ích kỷ để cuộc sống hài hòa, ấm êm hạnh phúc.
Tóm lại: Vợ chồng cần có thái độ sau khi xảy ra xung đột
- Tự chủ
- Có thiện chí muốn giải quyết
- Đối thoại với nhau
- Chấp nhận khuyết điểm của nhau
- Cố gắng hàn gắn và làm lành
- Nhờ người trung gian
- Cầu nguyện để biết cách giải quyết theo tinh thần của Chúa.
Xin Chúa cho các đôi vợ chồng luôn trung thành với Chúa và với nhau mãi mãi trong lời thề nguyện ước trước mặt Chúa, trước mặt Hội Thánh, trước mặt bà con hai họ: Sống chết có nhau, giàu nghèo có nhau, khỏe yếu có nhau, vui buồn có nha và, lúc nào cũng yêu nhau.
Tác giả bài viết: Sr. M.Mừng
Nguồn tin: Tổng giáo phận Hà Nội
Ý kiến bạn đọc