Sau khi cánh cửa khép lại, bóng tối đã đẩy Giuđa ra ngoài xa, Chúa Giêsu cảm thấy đôi phần an ủi. Giờ đây Ngài được tự do sống thân mật giữa đoàn môn đệ trong một bầu không khí yêu thương.
Các môn đệ của Ngài là những người chất phác đơn sơ và chậm hiểu, nhưng rất thực tình yêu Ngài. Nên nét mặt Ngài lại hồng hào vui vẻ và Ngài bình tĩnh trò truyện với các ông. Câu chuyện vui xuyên qua tuần rượu thứ hai, thứ ba rồi thứ bốn. Và đáng ghi nữa, là tuần rượu thứ bốn còn được đánh dấu bằng một Bí Tích YÊU THƯƠNG mà khoa thần học đã đặt tên là Bí Tích THÁNH THỂ...
Trong tiệc lễ Vượt Qua này, tuần rượu thứ ba đã tận kết với đĩa thịt chót của con chiên, và trên bàn chỉ còn lại ít bánh không men cùng một cốc rượu lớn. Nhìn vào bánh và rượu đó, Chúa thấy lòng đã yêu môn đệ, giờ đây càng yêu dấu dạt dào hơn. Ngài biết giờ đã bỏ thế trần đã sắp đến, cũng như đoàn môn đệ của Ngài sắp phải mồ hôi và sắp phải chịu mọi thứ khổ cực trong việc mở Nước Trời trên thế giới, nên Ngài càng yêu dấu thiết tha. Tình yêu của Ngài như một đại dương không giới hạn, đang dâng lên mạnh để phủ tràn trên môn đệ và thế giới. Với tình yêu mênh mông rộng lớn đó. Ngài muốn để lại một dấu hiệu yêu thương, để vỗ về an ủi và thêm sức hộ phù đoàn môn đệ của Ngài ở thế trần, cũng như để ban cho thế gian một nguồn ơn phúc, một của nuôi linh hồn, một lẽ sống và một bảo vật cho hạnh phúc trường sinh. Nên Ngài nhất quyết lập phép nhiệm mầu Thánh Thể.
Vậy Ngài cầm lấy bánh, trịnh trọng đọc lời chúc phúc, ngửa mặt lên trời, bẻ bánh, rồi trao cho các môn đệ ăn :
--Các con hãy cầm lấy mà ăn : đây là chính xác Thầy...Xác sẽ nộp vì các con.
Rồi Ngài cầm cốc rượu, lại ngửa mặt tạ ơn Ðức Chúa Cha và đưa cho các môn đệ uống mà rằng :
--Hết thảy các con hãy uống : đây là chính máu Thầy : Máu của Tân ước sẽ đổ ra vì các con, vì nhiều người để hết thảy được ơn tha tội lỗi.
Thế là....nói theo kiểu các nhà thần học....Ngài đã lập phép THÁNH THỂ, làm cho bánh trở nên xác thịt của Ngài, và rượu hóa thành máu của Ngài. Ngài lập phép này như một nhiệm pháp yêu thương để ở với các tông đồ và nhân loại cho đến tận thế, ngõ hầu thánh hóa hết mọi linh hồn trong bước nguy nan nơi trần thế. Ngài lập phép này để làm của hiến tế Ðức Chúa Cha. Phép hiến tế mới này Ngài đặt tên là Hiến tế của Tân ước ngụ ý để thay thế và phế bãi những cách hiến tế bằng máu chiên bò của Cựu ước, những cách hiến tế bất toàn và chỉ có ý nghĩa tượng trưng, chính của lễ khiết tịnh và xứng đáng do Ngài mang lại. Trong Ngài có hai bản tính, Nhân tính và Thần tính. Về Nhân tính, Ngài trong sạch vô cùng ; và về Thần tính, Ngài bằng Ðức Chúa Cha. Nên chỉ có một mình Ngài mới là của lễ khiết tịnh và tương xứng, đáng được Ðức Chúa Cha chấp nhận cùng tha tội cho loài người. Bởi thế nên Ngài đã mượn dịp bữa tiệc trên đây để lập Phép Thánh Thể.
Cũng bởi lẽ đó nên lúc này, lúc Ngài trao bánh và rượu, các tông đồ đã nhận lấy một cách rất cảm động. Các ông thấy cử chỉ Ngài thật khác thường, những cử chỉ trang nghiêm cao cả và chất chứa tình yêu thương. Ðồng thời những lời Ngài nói có một ý nghĩa rất đặc biệt và cụ thể, tỏ rõ bánh kia không phải là bánh nữa, nhưng chính là thể xác Ngài, cũng như rượu kia không phải là rượu nữa, nhưng là chính máu Ngài, tuy bánh và rượu vẫn còn giữ nguyên hương vị và hình sắc của rượu bánh. Ðã cảm động khi nhận lấy, các ông càng cảm động mạnh lúc chịu vào lòng, bánh và rượu Ngài trao. Các ông cảm thấy một nguồn yêu vô biên như theo thịt và máu của Thầy tràn lan vào tim hồng của các ông ; và đồng thời lúc thịt Thầy như tan lẫn vào thịt của các ông, máu Thầy như hòa trong huyết mạch của các ông, nguồn yêu kia đã làm cho các ông thêm trong sạch, mạnh bạo và yêu mến, đã nâng cao tâm hồn của các ông khỏi các vật thế trần và khai quang cho lý trí của các ông rất nhiều sự thật vĩ đại. Bởi đó, đứng trước nguồn yêu kia, các ông rất đỗi ngạc nhiên và say sưa sung sướng. Cùng một trật, không ai bảo ai, các ông đều thầm lặng đưa mắt nhìn Thầy với tất cả lòng kính ái, kính ái đến triệt để, kính ái để sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì Thầy, để tình yêu của Thầy được bù đắp một phần nào vì hy sinh đó.
Lòng kính ái của các ông dần dần càng tăng lên gấp bội và đi song điệu với lòng cảm tạ tri ân, vì các ông tưởng nhớ, khi trao bánh và rượu. Ngài đã thố lộ tâm tình qua những lời nói có ý nghĩa xa mờ của đau thương “Xác sẽ nộp và Máu sẽ đổ rơi” Ôi những tiếng “Bị nộp và đổ rơi” thật độc ác quá !..Xác sẽ bị nộp và Máu Thầy sẽ đổ rơi vì ai ? Giờ đây các ông biết rõ ; chỉ vì chính các ông và vì nhân loại, để tội lỗi của hết thảy được thứ tha. Trong thời gian im lặng đầy kính ái và tri ân đó, các ông còn nhớ lời Ngài dặn nữa :
“Các con hãy làm sự này để nhớ Thầy luôn”
Nhưng tại sao phải làm để luôn nhớ Thầy như thế ? Ôi chao ! Vậy Thầy sẽ đi xa ư ...
Và đi xa sau những ngày “xác bị nộp và máu bị đổ”. Ði xa về miền bên kia cái chết, cái chết nhục nhã đau thương !...
Nói tắt lại, bao nhiêu ý nghĩ về tình yêu vô hạn của Ngài, về cái chết cực khổ của Ngài, về cuộc Ngài phải đi xa và về lời Ngài dặn phải làm để tưởng nhớ Ngài mãi mãi, bấy nhiêu ý nghĩ ấy đã đổi lượt nhau biến chuyển tâm hồn của các ông hết vui lại buồn, hết buồn lại đến thương, hết thương lại đến quyết định nhớ, nhớ để thực hiện chữ trí ân. Và một hồi lâu như vậy, tiếp theo điệu những cảm tình sôi nổi cùng cao quý ấy của các ông, tuần rượu thứ bốn của bữa tiệc Vượt Qua dần dần đã kết liễu bên cạnh những ngọn nến sáng rực, luôn tỏa hơi ấm trong căn phòng thân mật đầy yêu thương kính mến.
Phần tiếp: Một tâm sự bí mật
Ý kiến bạn đọc